Ngày 5/5/2021, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc VNUA 2021” đã chính thức được phát động dưới hình thức online trên các trang Website, facebook, Zalo của Thư viện, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Câu lạc bộ Skybook - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (NNVN), cuộc thi đã thu hút được hàng trăm lượt like, chia sẻ ngay từ  ngày phát động đầu tiên. Đây chỉ là một sự kiện trong rất nhiều các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc mà trung tâm Thông tin - Thư viện (TT-TV) Lương Định Của, Học viện NNVN đã thực hiện trong thời gian qua.

     Nhận thức được tầm quan trọng của sách trong việc nâng cao chất lượng học tập, phát triển trí tuệ và nhân cách của sinh viên, dưới sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Học viện và sự phối hợp nhiệt tình của  các đơn vị, đoàn, hội, câu lạc bộ trong Học viện, trung tâm TT-TV Lương Định Của đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong sinh viên, bắt đầu từ sự khơi dậy hứng thú tìm tòi, đến thư viện, đọc sách, được đáp ứng, được thỏa mãn, dần trở lên thích thú và trở thành thói quen, đam mê đối với sách, với thư viện; hình ảnh các nhóm sinh viên rủ nhau đến thư viện, mải mê hứng thú bên trang sách đã không còn xa lạ, ít gặp như trước kia, sách đã từng bước trở thành một vật dụng quen thuộc trong ba lô, túi sách, trên tay của rất nhiều sinh viên, cụm từ “đến thư viện”, “đọc sách”  thường xuyên xuất hiện trong các đối thoại chuyện trò của sinh viên, tự nhiên như có sẵn trong thời gian biểu hàng ngày vậy, có thể thấy rằng, thói quen đọc sách đã từng bước được hình thành và dần lan tỏa ngày một rộng hơn trong sinh viên, trở thành một nét văn hóa đẹp  của Học viện NNVN, 

     Đó cũng là kết quả của một loạt các giải pháp, hoạt động đã được triển khai đồng bộ của Thư viện trong thời gian qua, cụ thể gồm:

1). Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nguồn tư liệu, tăng cường tối đa mức độ đáp ứng nhu cầu tư liệu của sinh viên 

     Xác định sách, tư liệu là yếu tố quan trọng đầu tiên để thu hút và tạo hứng thú đọc cho sinh viên, bên cạnh chú trọng phát triển các nguồn sách chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của chương trình học, đạt tỷ lệ >90%  môn học trong đề cương Học phần có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo; thư viện đã mở rộng bổ sung thêm các thể loại tài liệu khác phù hợp với xu hướng, sự quan tâm, tâm lý giới trẻ, các sách giải trí, văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng làm giàu, tâm lý giới tính, định hướng nghề nghiệp, triết lý nhân sinh … được chọn lọc, tận dụng bổ sung từ nhiều nguồn (mua, sưu tầm, trao đổi, quyên góp …) và đưa vào kho sách/cơ sở dữ liệu của thư viện đã tạo lên sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn sự quan tâm của sinh viên hơn rất nhiều so với trước kia, tỷ lệ sinh viên thỏa mãn với nguồn sách thư viện cũng đã bắt đầu gia tăng nhanh qua các số liệu khảo sát hàng năm,  tương ứng là sự gia tăng thực tế về số lượng đầu, bản tài liệu được đọc, mượn, xem trực tuyến hàng ngày/tháng.

leftcenterrightdel
Văn hóa đọc
 Hình ảnh sinh viên đến thư viện đọc sách mỗi ngày

2) Xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích 

     Môi trường, không gian được xác định là yếu tố cơ bản để thu hút người đọc, trong điều kiện tòa nhà Thư viện hiện tại còn hạn chế về diện tích, chưa đạt chuẩn công năng cơ bản; để tận dụng, tối ưu hóa không gian đọc, Thư viện đã tiến hành bố trí sắp đặt lại toàn bộ các kho sách/khu vực tra cứu, khai thác tư liệu, tạo các không gian đọc chung/riêng, không gian hội họp, thảo luận, trao đổi nhóm, không gian tra cứu, khai thác tư liệu… liên thông với nhau hướng đến sự  thân thiện, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu, thói quen, mục đích sử dụng của các nhóm sinh viên. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Văn hóa đọc
 Không gian đọc và tra cứu, sử dụng thông tin – tài liệu
leftcenterrightdel
 Không gian  cho các hội họp thảo luận nhóm

     Ngoài ra, Thư viện cũng rất chú ý đến những điểm nhấn tuy đơn giản nhưng lại tạo được hiệu quả không nhỏ, đó là một góc đọc sách thư giãn, tạo cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn, hay một khuôn viên vườn nho nhỏ, có nước, có mây, có cỏ cây hoa lá, nơi sinh viên có thể cảm nhận ngay từ bên trong qua khung cửa sổ hoặc thả mình chân thật với gió mát, hương hoa cỏ thiên nhiên, ngắm cảnh, trò chuyện, đọc sách thư giãn…, đây cũng là công trình do chính tay cán bộ thư viện chung sức tạo lên, nhận được rất nhiều lời khen ngợi của bạn đọc;

leftcenterrightdel
Văn hóa đọc
 Một góc không gian tạo cảm hứng cho người đọc sách 

     Từ các cải thiện tích cực trên, số lượng sinh viên đến thư viện hàng ngày đã trở lên ổn định, liên tục, thay cho việc chỉ đến tập trung vào các kỳ ôn thi như trước đây, tỷ lệ sinh viên chọn đến thư viện với tần xuất “thường xuyên, hàng ngày” tăng đều từ 20-35% qua mỗi kỳ khảo sát.

3) Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ bạn đọc

     Với mục đích tăng cường các hoạt động hỗ trợ để bạn đọc tiếp cận được đến sách nhanh hơn, sử dụng sách hiệu quả hơn, bên cạnh việc thường xuyên rà soát, cải tiến, về nội dung và cách thức tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tra cứu, tìm kiếm tài liệu cho các nhóm đối tượng phù hợp: sinh viên khóa mới, sinh viên  năm 3,4 làm chuyên đề/ khóa luận, sinh viên các chương trình tiên tiến, chất lượng cao…( bình quân 5000-6000 lượt SV được đào tạo tập huấn /năm), Thư viện đã mở rộng, đẩy mạnh các dịch vụ tư vấn, trợ giúp như: hỏi đáp, hướng dẫn tại chỗ, thiết lập chuyên mục chat online trên website, lập hộp thư email theo nhóm lớp, khoa và cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, tiếp nhận yêu cầu và trợ giúp kịp thời các yêu cầu/nhu cầu tin của sinh viên, hàng ngày, bộ phận này tiếp nhận và hỗ trợ từ 300-500 lượt yêu cầu, bước đầu đã tạo được sự hài lòng, thu hút được sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc;

leftcenterrightdel
 Các buổi tập huấn khai thác TT và hướng dẫn trực quan định kỳ mỗi tuần

     Bên cạnh các hình thức trợ giúp trực tiếp về nhân lực, Thư viện cũng chú trọng đến việc tạo các tiện ích hỗ trợ sinh viên trong quá trình đọc, nghiên cứu tư liệu, các trang thiết bị hỗ trợ việc khai thác sử dụng tài liệu như máy tự mượn trả, màn hình tra cứu cảm ứng, cổng tra cứu tập trung, bảng điện tử, tivi smart, các trang thiết bị sao lưu, chiếu chụp, âm thanh ….cũng được đầu tư, nâng cấp thường xuyên, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời và hữu hiệu các mục đích nghiên cứu, tra cứu, đọc sách của sinh viên;

4) Quảng bá, lan tỏa sách và văn hóa đọc trong sinh viên

     Công tác quảng bá, giới thiệu sách cũng được chú ý cải tiến, đổi mới và tăng cường đa dạng hóa dưới nhiều hình thức như: tổ chức ngày hội giao lưu, trao đổi sách, trưng bày, triển lãm giới thiệu sách định kỳ vào các dịp khai giảng năm học mới, các ngày lễ, ngày truyền thống của ngành và Học viện; tổ chức không gian truyền thống trưng bày tư liệu của giáo sư Lương Định Của – nhà bác học nông nghiệp mà Thư viện được vinh dự mang tên, tổ chức không gian bán và tư vấn đọc sách ngay tại thư viện, tổ chức các ngày đọc sách chuyên đề… các hoạt động trên đều được  phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các câu lạc bộ trong Học viện, thu hút tạo hứng thú cho đông đảo sinh viên. 

leftcenterrightdel
Văn hóa đọc
 Không gian trưng bày, giới thiệu sách được đổi mới thường xuyên tạo sự mới mẻ, lôi cuốn người đọc

     Bên cạnh việc quảng bá giới thiệu sách tại chỗ, các hình thức giới thiệu sách trên website, fanpage, bảng điện tử cũng được chú ý và cải tiến, đổi mới thường xuyên như : tạo chuyên mục “mỗi tuần một cuốn sách hay”, “sách hay nên đọc”, tạo các thư mục sách theo chuyên đề, ngành, nhóm ngành…để sinh viên tiếp cận nhanh và trực tiếp đến tài liệu cần dùng, đồng thời cũng kết hợp thêm các hình thức khích lệ việc đọc sách thông qua các đề xuất cộng điểm rèn luyện cho những sinh viên chăm đọc sách, đọc nhiều sách, lan tỏa sách đến nhiều người…;

     Tất cả các hoạt động nhằm thu hút sinh viên đến với sách, đọc sách và hình thành thói quen đọc sách  mà thư viện đang thực hiện nói trên tuy kết quả còn rất khiêm tốn nhưng tin tưởng rằng nó sẽ tiếp tục được nhân rộng, tạo thành niềm đam mê, hứng thú và sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong sinh viên, tạo lên một phong trào và trở thành một nét văn hóa lành mạnh, đặc sắc của Học viện NNVN;

     “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người.” (Voltaire), hy vọng rằng niềm đam mê, hứng thú đọc sách trong sinh viên các trường đại học nói chung và sinh viện Học viện NNVN nói riêng sẽ luôn bừng cháy và lan tỏa mạnh mẽ như ngọn lửa, và những cán bộ thư viện chúng ta sẽ là những người tiếp sức để ngọn lửa ấy lan tỏa mãi, để nhân thói quen đọc của mỗi cá nhân thành văn hóa đọc của cả cộng đồng, để những giá trị vô hình từ sách trở thành của cải và sức mạnh thực tế tạo lên thành công cho tất cả chúng ta.

Hồng Lan