Nhóm câu hỏi về nội quy, quy định, quy chế sử dụng tài liệu
1. Trung tâm TT-TV Lương Định Của phục vụ theo hình thưc nào? Tôi được hưởng tiện ích gì từ các hình thức đó ?
Trung tâm TT-TV phục vụ theo hình thức Mở, kết hợp giữa đọc tài liệu in và tài liệu điện tử trong cùng một vị trí. Hình thức này giúp bạn đọc vừa tiếp cận trực tiếp với tất cả các lĩnh vực tài liệu in có trong thư viện, vừa cung cấp nguồn truy cập từ xa, giúp bạn đọc bổ sung, tham chiếu dễ dàng tài liệu từ các nguồn khác ngoài kho thư viện; Môi trường đọc thân thiện, cởi mở, tạo cho bạn đọc sự thuận lợi, dễ dàng và chủ động trong quá trình khai thác, sử dụng thư viện;
2. Lịch phục vụ của Thư viện ?
Các phòng phục vụ của Trung tâm TT-TV làm việc theo giờ hành chính, riêng phòng đọc, mượn tài liệu Mở phục vụ thêm ngày thứ 7 và các buổi tối từ 18h → 21h ( các ngày 2, 3, 4,& 5) trong tuần. Chiều thứ 6 hàng tuần nghỉ phục vụ để vệ sinh và sắp xếp kho sách.
3. Tôi được phục vụ những gì khi đến Thư viện ?
Bạn được đọc, mượn về nhà tất cả các loại hình tài liệu có tại thư viện: sách tra cứu, sách tham khảo, luận văn, luận án, giáo trình, báo, tạp chí, đĩa CD...,
- Được truy cập và khai thác 08 cơ sở dữ liệu tài liệu chuyên ngành chất lượng cao và nhiều nguồn tài liệu phong phú khác;
- Được truy cập internet miễn phí với hơn 75 máy tính kết nối mạng internet, intranet,
- Được hướng dẫn kỹ năng tra cứu thông tin từ đơn giản đến nâng cao (không phải trả phí)...
Ngoài ra Bạn còn sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin chọn lọc, bao gói thông tin theo yêu cầu, truy cập từ xa..., hệ thống thông tin chỉ dẫn và các phương tiện hỗ trợ như: OPAC, sơ đồ, biển chỉ dẫn, bàn giải đáp thông tin...., sẽ giúp bạn nhanh chóng thích ứng và thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình;
4. Tôi có được cấp thẻ thư viện? Tôi phải sử dụng thẻ đó như thế nào?
- Nếu bạn là cán bộ /giảng viên / học viên / sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thẻ Thư viện của bạn cũng chính là thẻ Công chức, thẻ Sinh viên/ Học viên). Thẻ Thư viện cho phép bạn sử dụng tất cả các sản phẩm và dịch vụ trong thư viện, khi đến thư viện bạn phải xuất trình thẻ; thẻ lưu giữ toàn bộ thông tin về quá trình sử dụng thư viện của bạn, khi làm mất thẻ, bạn phải báo với cán bộ thư viện để được khóa dữ liệu thẻ tạm thời, đề phòng người khác sử dụng với mục đích xấu; khi ra trường/chuyển trường/chuyển đơn vị công tác..., thẻ được khóa vĩnh viễn ;
- Nếu không thuộc các đối tượng trên, bạn có thể được cấp thẻ TV tạm thời (ngắn hạn), bạn cần liên hệ trực tiếp với cán bộ thư viện (có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản/CMTND) để được hướng dẫn thủ tục làm thẻ;.
5. Tôi có cần tập huấn trước khi đến Thư viện? Lịch tập huấn thế nào?
- Nếu bạn là sinh viên, học viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì việc tham gia lớp tập huấn “kỹ năng khai thác và sử dụng thư viện” là điều kiện bắt buộc để được sử dụng TV. Khóa tập huấn này cung cấp cho bạn kỹ năng tìm tin trên các cơ sở dữ liệu điện tử, trên phần mềm thư viện điện tử LIBOL, cách thức sử dụng các kho tài liệu, đặc biệt là kho Mở một cách nhanh chóng và hiệu quả, các quy định, nội quy thư viện...,.
Đây là những kiến thức cơ bản để bạn có thể sử dụng tốt nhất các sản phẩm và dịch vụ của Thư viện.
- Nếu bạn là cán bộ của Học viện/ học viên cao học, nghiên cứu sinh, bạn không bắt buộc phải tập huấn, bạn sẽ được cán bộ thư viện phát tờ rơi hướng dẫn hoặc trực tiếp chỉ dẫn (nếu có yêu cầu).
Lịch tập huấn:
- Tập huấn tập trung: vào các đầu năm học theo lớp, lớp trưởng đăng ký thời gian, số lượng người tham dự với thư viện, số lượng tối đa/lớp: 60 người;
- Tập huấn định kỳ: Hai lần/ 01 tháng, số lượng tối thiểu: 15-20 người( theo đăng ký) và có thông báo chi tiết trên bảng tin Thư viện
- Tập huấn nâng cao: Theo yêu cầu của bạn đọc.
6. Tôi có được mang theo tài liệu , máy tính cá nhân vào kho Mở ?
Bạn không được mang theo tài liệu, tư trang cá nhân vào kho Mở để tránh lẫn lộn với tài liệu Thư viện và để tránh sơ suất kẹp nhầm tài liệu thư viện mang ra ngoài, cổng kiểm soát vào ra tự động chắc chắn sẽ phát hiện nếu bạn mang nhầm tài liệu của thư viện ra ngoài, tuy nhiên, dù vậy, bạn vẫn bị vi phạm vào nội quy của thư viện và bị áp dụng hình thức xử lý vi phạm tùy theo từng mức độ cụ thể;
Bạn được mang máy tính cá nhân vào thư viện nhưng không được mang theo chuột, sạc điện, USB... để bảo đảm an toàn cho các thiết bị máy tính và nguồn điện trong thư viện;
7. Quy định về số lượng và thời hạn mượn tài liệu của thư viện ?
- Đối với sách tham khảo: bạn được mượn tối đa 3 cuốn trong thời gian 10 ngày (bạn có thể mượn nhiều hơn số lượng đó với điều kiện trong thẻ luôn luôn chỉ ghi nhận tối đa là 3 cuốn)
- Đối với sách giáo trình: Bạn được mượn không giới hạn số lượng (trong điều kiện thư viện có), tuy nhiên, trong đợt mượn tập trung vào đầu các học kỳ, bạn chỉ được mượn 5 cuốn, bạn có thể mượn bổ sung thêm vào các thời gian khác sau đó; thời hạn trả của giáo trình là 01 học kỳ,
8. Làm thế nào để không bị quá hạn tài liệu? Trường hợp nào được miễn giảm phí phạt quá hạn?
- Bạn có thể yêu cầu gia hạn thêm thời gian mượn khi đến thời hạn trả mà vẫn chưa đọc xong tài liệu, số lần gia hạn tối đa là 2 lần/lần mượn, số ngày gia hạn là 5 ngày /lần; Bạn cũng có thể trả sách và yêu cầu được mượn lại ngay sau đó, tuy nhiên cả 2 trường hợp trên chỉ được chấp nhận khi cuốn sách đó đang không có nhiều người yêu cầu mượn;
- Các trường hợp được giảm phí phạt quá hạn:
- Thi lại (dịp nghỉ hè/tết): bạn cần có xác nhận của phòng Đào tạo (/danh sách thi lại), bạn được miễn phí phạt của cuốn sách thuộc môn thi lại đó;
- Bạn là gia đình chính sách / hộ nghèo /bị tai nạn / ốm đau dài ngày phải nằm viện....bạn phải có chứng nhận của địa phương, bệnh viên, cơ quan cấp trên có thẩm quyền xác nhận, mức giảm tối đa 50%;
9. Khi tôi cần photocopy tài liệu ?
Bạn phải liên hệ với cán bộ thư viện trực tại các phòng đọc để được phục vụ,
Lệ phí photocopy là 500đ/trang;
10. Khi làm rách /mất/quá hạn tài liệu, tôi phải làm gì ?
Bạn phải nộp tiền phạt theo quy định của thư viện, mức phạt cụ thể như sau:
- 50% giá bìa: khi làm rách/viết/vẽ bẩn từdưới 3 trang tài liệu
- 100% giá bìa: khi làm rách/viết/vẽ bẩn từ 4 - 10 trang tài liệu
- 150% giá bìa: khi xé từ 1 trang, làm rách/viết/vẽ bẩn từ 4 - 10 trang tài liệu 200% giá bìa: khi làm mất đối với sách có trên 10 bản trong thư viện;
- 300% giá bìa: khi làm mất đối với sách có từ 2 – 10 bản trong thư viện;
- 500% giá bìa: đối với sách chỉ có 01 bản/ sách không còn bán trên thị trường
- 500đ/trang: đối với sách xuất bản trước năm 2000/ sách không có giá bìa;
- 15.000đ + bản sách thay thế (giống nguyên bản đã mất);
- 1000đ/ngày/cuốn khi trả tài liệu quá hạn
11. Tôi phải làm gì khi bị mất thẻ thư viện?
Khi bạn đánh mất thẻ thư viện (thẻ sinh viên, thẻ học viên...) bạn cần:
- Báo ngay cho cán bộ trực tại các phòng phục vụ của Thư viện biết để tạm thời khoá thẻ đề phòng người khác nhặt được sử dụng mượn tài liệu trái quy định,
- Làm đơn xin cấp lại thẻ (trường hợp bạn đang sử dụng thẻ đa năng – thẻ tích hợp thêm chức năng ATM, bạn phải liên hệ với ngân hàng vietinbank để được cấp lại
- Báo lại cho thư viện biết để ghi nhận tình trạng thẻ và mở dữ liệu thẻ thư viện;
- Trường hợp bạn thay đổi thông tin về khoa/khóa/lớp... bạn cũng cần báo lại cho Thư viện để được tích hợp thông tin mới;
12. Tôi đã hoàn thành khóa học và muốn thanh toán ra trường?
Bạn là sinh viên, bạn phải trả hết tài liệu thư viện;
- Bạn là học viên (cao học/nghiên cứu sinh): ngoài việc trả hết tài liệu thư viện, bạn phải nộp 02 bản luận văn/luận án (01 bản trước khi bảo vệ và 01 bản đã chỉnh sửa hoàn chỉnh sau khi bảo vệ) + 01 đĩa CD –ROM dữ liệu luận án theo đúng fomat đã quy định;
- Cán bộ thư viện sẽ kiểm tra và ký giấy xác nhận thanh toán ra trường cho bạn tại Cổng trực kiểm soát (đối với sinh viên) và Phòng biên mục (đối với học viên) vào thời gian quy định trong ngày;
13. Tôi có tài liệu muốn chia sẻ với Thư viện?
Thư viện rất hoan nghênh sự ủng hộ của bạn dưới nhiều hình thức nhằm làm phong phú thêm nguồn tài liệu, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Phòng Biên mục, hoặc số ĐT: 04 62617707 - Email: infolib@vnua.edu.vn
14. Tôi có những ý kiến muốn góp ý cho thư viện ?
Xin vui lòng lựa chọn các hình thức dưới đây:
- Hòm thư góp ý (trước cửa Trung tâm)
- Qua Email của Thư viện, địa chỉ infolib@vnua.edu.vn ,
- Gặp trực tiếp/gọi điện /email cho lãnh đạo Thư viện
Phòng Giám đốc: 04 62617715, - hdlien@vnua.edu.vn
Phòng phó giám đốc: 04 626 17713 - ptmai@vnua.edu.vn
Ngoài ra, tất cả nhân viên thư viện (trong phạm vi quyền hạn cho phép) đều có trách nhiệm tiếp thu và giải đáp mọi thắc mắc khi bạn yêu cầu.
Các ý kiến góp ý của bạn sẽ được trả lời trực tiếp hoặc giải đáp công khai trên bảng tin của thư viện (nếu những ý kiến đó là sát thực);
15. Tôi bị xử lý thế nào khi mang tài liệu trái phép ra khỏi thư viện?
Nội quy thư viện quy định: tất cả các trường hợp mang tài liệu trái phép (tài liệu chưa ghi mượn) ra khỏi thư viện đều bị áp dụng hình thức xử lý:
- Đình chỉ quyền sử dụng thư viện 12 tháng
- Đề nghị hội đồng kỷ luật Học viện xem xét
Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được hành vi của mình là do sơ xuất, bạn có thể được xem xét, giảm nhẹ mức độ xử lý;
Nhóm câu hỏi về kỹ năng tra cứu và sử dụng tài liệu
16. Tôi muốn tra cứu tài liệu thư viện thì phải làm thế nào?
- Bạn cần truy cập vào địa chỉ trang web của Thư viện: http://infolib.vnua.edu.vn
Hoặc từ trang web của Học viện: http://www.vnua.edu.vn, chọn Thư viện → tick vào mục tra cứu, lựa chọn một trong các mục:
- Mục lục trực tuyến để xem thông tin thư mục của nguồn tài liệu in
- CSDL trực tuyến /Bộ sưu tập số để tham khảo nguồn tài liệu điện tử
→ Trên giao diện tra cứu của mỗi mục, nhập biểu thức tìm theo một trong các điểm truy cập: Nhan đề tài liệu, tên tác giả, năm xuất bản hoặc từ khóa...→ Nhấp vào nút Tìm kiếm
- Danh sách kết quả tìm có thể là các thông tin thư mục của tài liệu in / đường link mở file toàn văn của tài liệu điện tử ;
Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn tra cứu chi tiết trong mục trợ giúp ngay trên menu chính của trang web thư viện;
17. Những thông tin gì cần lưu ý khi tra cứu tài liệu trên hệ thống OPAC ?
+ Ký hiệu Thư viện:
- HAU1 là ký hiệu của trung tâm TT-TV Lương Định Của,
- Các Thư viện khoa khác trong trường được lấy ký hiệu bằng chữ cái đầu của tên khoa, vd: KTE (TV khoa Kinh tế); NH (TV khoa Nông học)...
+ Ký hiệu kho tài liệu:
KTC: kho tra cứu (sách tra cứu, từ điển, bách khoa toàn thư...)
KLA: Kho Luận án luận văn (Tiến sỹ và thạc sỹ),
KM: Kho tài liệu tham khảo tiếng Việt;
KNV: Kho tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài
KGT: kho sách giáo trình;
KTT: Kho Báo, tạp chí, đĩa CD-ROM;
KTCNV: Kho tạp chí ngoại văn;
KLUU: Kho tài liệu cũ ít lưu thông;
+ Tình trạng tài liệu
Ký hiệu [Rỗi] : Tài liệu hiện đang có trong kho
Ký hiệu [Bận] : Tài liệu đang có người mượn;
Ký hiệu [ ]: Tài liệu chỉ đọc tại chỗ, không cho mượn về,
+ Số Giá
+ Ký hiệu xếp giá (KHXG): chỉ thứ tự, vị trí tài liệu trên giá ,
KHXG bao giờ cũng có cấu tạo: chữ số ( từ 3-6 số) - chữ cái - chữ số (4 số)
Vd về KHXG: 338.5 ĐAT 2013, trong đó : 338.5 là số phân loại (chủ đề) của tài liệu; ĐAT là tên viết tắt của tác giả /tên sách; 2013 là năm xuất bản của tài liệu;
18. Làm thế nào để tìm được tài liệu trên giá sách?
Sau khi đã ghi nhận các thông tin về tài liệu trên OPAC, bạn tìm đến đúng số giá chứa tài liệu, xem chỉ dẫn thông tin trên bảng chỉ dẫn đầu giá để xác định vị trí ký hiệu xếp giá của tài liệu mình cần, tìm số ký hiệu xếp giá bằng cách xem lướt các nhãn trên gáy sách , kéo đầu sách ra khỏi giá khoảng10cm để đối chiếu với tên sách (vì có thể có nhiều cuốn sách có ký hiệu xếp giá giống nhau);
Trường hợp không tìm được tên sách cần trên giá (dù trên máy tính báo tình trạng sách rỗi), có thể cuốn sách đang được người khác đọc tại TV (chưa làm thủ tục mượn) hoặc cuốn sách đó bị xếp sai vị trí, bạn có thể nhờ cán bộ thư viện giúp đỡ;
Trường hợp sách đã được người khác mượn, bạn có thể đặt chỗ trước với thư viện để được mượn ngay khi cuốn sách đó được trả lại kho;
19. Muốn mượn tài liệu về nhà tôi phải thực hiện những thủ tục gì?
Bạn cần kiểm tra tình trạng của tài liệu để chắc chắn cuốn sách đó không bị rách, mất trang, gạch xóa, bôi bẩn...
- Đưa sách cần mượn để thủ thư tiến hành thủ tục ghi mượn và khử từ tài liệu;
- Quan sát thao tác ghi mượn của thủ thư qua màn hình máy tính đối diện để biết chắc chắn thủ thư đã ghi mượn đúng và đủ số tài liệu định mượn;
- Quay lại bàn thủ thư để kiểm tra lại khi có tín hiệu báo động từ cổng kiểm soát
- Tuyệt đối không tự ý mang tài liệu chưa ghi mượn ra khỏi thư viện.
20. Để sử dụng các nguồn tài liệu điện tử của Thư viện, tôi phải làm gì ?
- Trước hết, bạn phải có một tài khoản cá nhân, tài khoản này do thư viện cấp, được quản lý phân quyền sử dụng trên trang thông tin của thư viện,
Nếu bạn là cán bộ/sinh viên Học viện, mã số thẻ viên chức, thẻ sinh viên chính là tài khoản đăng nhập của bạn;
Nếu bạn không phải cán bộ/sinh viên của Học viện, bạn phải liên hệ trực tiếp/qua email với thư viện để được hướng dẫn thủ tục đăng ký dịch vụ bạn đọc từ xa (bạn đọc trực tuyến);
Bạn phải tuân thủ các chính sách khai thác được quy định cụ thể trong từng CSDL/bộ sưu tập;
21. Thư viện hiện đang có những nguồn dữ liệu điện tử nào?
- Sách điện tử ( Ebook) của các NXB Wiley, CRCnetBASE, Elsevier, Mylibrary
- CSDL Bách khoa toàn thư Enmol
- CSDL Acesses DL
- CSDL ProQuest Central
- CSDL tài liệu khoa học và Công nghệ Việt Nam
- Bộ sưu tập tài liệu số (chủ yếu là các nguồn tin nội sinh: luận án luận văn, GT...)
- Các CSDL miễn phí như Hinary, Agora....
Ngoài ra, Thư viện thường xuyên có các CSDL khuyến khích bạn đọc khai thác dưới chế độ dùng thử từ 1 – 3 hoặc 6 tháng;
23. Dịch vụ bạn đọc trực tuyến cung cấp những gì ? tôi có được sử dụng không?
Sử dụng dịch vụ bạn đọc trực tuyến, bạn được truy cập và khai thác tất cả các nguồn thông tin- tài liệu có trong thư viện trên internet , thông qua một tài khoản cá nhân do thư viện cấp– thay thế cho việc bạn phải đến thư viện hoặc sử dụng trong mạng LAN của Học viện;
Nếu bạn là đang là sinh viên/học viên /giảng viên của Học viện, tài khoản cá nhân của bạn chính là mã số thẻ sinh viên/học viên /giảng viên
Nếu bạn không phải đối tượng trên, bạn cần đăng ký với thư viện để được sử dụng dịch vụ này, thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký được đăng tải trên trang web của thư viện, mục Dịch vụ;
24. Dịch vụ mượn giáo trình trực tuyến được tổ chức như thế nào?
DV mượn GT trực tuyến được thư viện áp dụng trong các đầu học kỳ khi lượng sinh viên mượn giáo trình tại kho giáo trình quá đông, mục đích là để giảm tải số lượng sinh viên đến mượn/ngày mà vẫn kịp thời đáp ứng về mặt thời gian sử dụng giáo trình của sinh viên; đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lựa chọn tài liệu cần mượn, chủ động bố trí thời gian mượn ngoài thời gian được ấn định mượn tập trung tại thư viện;
Cách thức đăng ký mượn:
- Thư viện thông báo thời gian tiến hành đăng ký trên mạng;
- Sinh viên căn cứ vào khoảng thời gian đã được quy định trước cho đợt mượn, căn cú vào thời khóa biểu môn học để đăng ký với thư viện (qua mạng internet) số lượng, tên giáo trình, thời gian sẽ đến thư viện mượn;
- Cán bộ thư viện căn cứ vào số lượng giáo trình/thời gian đăng ký để bố trí nhân lực, chuẩn bị giáo trình trước;
- Sinh viên đến thư viện để nhận giáo trình đã đăng ký;
Quá trình tìm kiếm tài liệu và đăng ký mượn được thực hiện hoàn toàn trên máy tính có nối mạng internet thông qua trang cá nhân của mỗi sinh viên do thư viện thiết lập trên phần mềm quản lý thư viện điện tử Libol6.0 nên rất thuận lợi cho sinh viên trong đợt nghỉ hè/nghỉ tết ;
25. Tôi cần biết về Dịch vụ bao gói thông tin ?
Dịch vụ bao gói thông tin là dịch vụ có thu phí, Bạn đọc liên hệ yêu cầu thư viện cung cấp tài liệu theo chủ đề/chuyên đề/chuyên ngành cụ thể nào đó; dạng thông tin cung cấp (bản in, photocopy, file điện tử, đĩa CD), hình thức chuyển giao (gửi bưu điện, nhận trực tiếp, qua email...) ; chi phí căn cú theo thực tế tài liệu trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên;
Nguồn tài liệu cung cấp chủ yếu là các nguồn tại thư viện /trên internet tùy theo mức độ yêu cầu của thông tin;