VÀI NÉT VỀ GIÁO SƯ LƯƠNG ĐỊNH CỦA - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

(Món quà tri ân gửi tới cố giáo sư nhân kỷ niệm 100 năm – ngày sinh của Ông)

   Giáo sư Lương Định Của sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Theo văn bia gia đình thì ông nội của giáo sư là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân, cha là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có. Ông lên Sài Gòn học xong tú tài. 

   Năm 1937, Sau khi đỗ tú tài toàn phần tại Sài Gòn, Ông sang du học ở Hồng Kong (Đại học Y Khoa, đến năm thứ 3) rồi Thượng Hải (học ở Đại học Kinh tế). Năm 1940, trường đóng cửa do chiến tranh. 

   Năm 1942 ông sang Nhật, thi vào Đại học Quốc gia Kyushu, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại  đây và tốt nghiệp xuất sắc bằng cử nhân sinh học nông nghiệp vào năm 1945. 

   Năm 1945, ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura (người Nhật).  Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto, làm nghiên cứu sinh ngành di truyền - chọn giống và được cấp bằng tiến sỹ  nông học.  

   Năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn. Sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội (nay là Học Nông nghiệp Việt Nam), Viện trưởng Viện Cây Lương thực, Cây thực phẩm. Đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa II, III, IV, V.

   Ông mất 28 tháng 12 năm 1975 tại Hà Nội. 

leftcenterrightdel
GS. Lương Định Của
(1920-1975) 
leftcenterrightdel
GS. Lương Định Của cùng bốn người con tại trường Đại học Nông Lâm (1958)  

    Thành tựu lớn nhất của giáo sư Lương Định Của là giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò do giáo sư đào tạo đã trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc.

   Thành tựu lớn thứ hai của giáo sư Lương Định Của là tạo giống cây trồng mang những thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời: Giống lúa Nông nghiệp I do Giáo sư Lương Định Của lai tạo từ giống Ba thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa Việt Nam đi vào sản xuất trên đồng ruộng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên  “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314, NN75-1, NN8-388, lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo…  cùng với những ứng dụng kỹ thuật di truyền và tiến bộ kĩ thuật mới: kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng …

   Thành tựu lớn thứ ba của giáo sư Lương Định Của là kỹ thuật thâm canh lúa. Giáo sư đã đề xướng mô hình canh tác  “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

   Cuộc đời của giáo sư là tấm gương sáng của một trí thức lớn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học tạo giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. 

   Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2 và ba khoá tiếp theo cho đến lúc mất, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động (1967) và Huân chương Lao động Hạng Nhất (1975) và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

   Cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Lương Định Của còn sống mãi với thời gian, với cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với toàn thể cán bộ viên chức Trung tâm Thông tin – Thư viện Lương Định Của, được vinh dự mang tên Ông.
 

leftcenterrightdel
 Lăng mộ GS Lương Định Của tại Nghĩa Trang TP. HCM - Thủ Đức 
leftcenterrightdel
 Đặt hoa trước tượng đài Giáo sư Lương Định Của
leftcenterrightdel
Góc trưng bày tư liệu về GS. Lương Định Của tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam