Ngày 2/4, tại Hà Nội, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong, Dự án Đọc sách cùng Xích Lô tổ chức Tọa đàm “Sách – Xanh – Số”.

leftcenterrightdel
 Các diễn giả tham dự Tọa đàm “Sách – Xanh – Số”

Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong; ông Cao Văn Hà – Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT.

Nội dung của buổi Tọa đàm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng về giá trị của sách, vai trò của đọc sách trong việc thay đổi nhận thức, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất và đời sống, lan tỏa tri thức ngành tới bạn đọc và bà con nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Tại Tọa đàm, diễn giả Cao Văn Hà - Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã chia sẻ về quá trình xây dựng tủ sách dòng họ, ý nghĩa và tác động của chúng đến việc thúc đẩy phong trào khuyến đọc ở vùng nông thôn mà cụ thể là quê hương của ông. Theo ông Hà, hành trình làm khuyến học của ông không chỉ là xây dựng tủ sách dòng họ mà còn là phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen từ phía gia đình cho việc sắp xếp công việc và sở thích riêng của nhau để có cùng một sở thích, thói quen chung là cùng nhau đọc sách, chỉ cần 15-30 phút đọc sách mỗi ngày, sẽ tạo nên một sự thay đổi trong văn hóa đọc của gia đình nói riêng và cộng đồng nông thôn nói chung. Hiện nay, trên toàn huyện Yên Phong đã có nhiều tủ sách gia đình, dòng họ ra đời và hoạt động hiệu quả, trong đó thư viện làng cò Đông Xuyên, xã Đông Tiến mỗi tuần đón hàng trăm độc giả đến mượn sách và đọc sách.

“Cần phát triển văn hóa đọc sách từ gia đình, mỗi gia đình sẽ là một tủ sách và mỗi người đọc sách là một người truyền cảm hứng, từ đó sẽ góp phần tri thức hóa nông dân”, ông Cao Văn Hà nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Ông Cao Văn Hà - Chủ tịch danh dự Quỹ Khuyến học ước mơ lớn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về quá trình xây dựng tủ sách dòng họ tại địa phương

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, tri thức đối với người nông dân hiện là chủ đề rất được quan tâm bởi vì nó sẽ phát huy được sức mạnh của cộng đồng. “Chúng ta muốn có thành công trong nông thôn mới, hoặc xa hơn là đất nước có trở nên thịnh vượng bằng con đường kinh tế tri thức hay không thì mỗi người dân phải được trang bị đầy đủ những công cụ cho hành trang của họ, trong đó có tri thức và người nông dân được đặt ở vị trí trọng tâm. Tri thức hóa nông dân sẽ là tiền đề cho việc phát triển một nền nông nghiệp xanh, kinh tế xanh. Qua sách chúng ta có làm được điều đó không, đó cũng là thách thức cho những người làm công tác quản lý, các nhà khoa học”, ông Toản phát biểu.

Theo ông Toản, chuyển đổi số là không ngừng, đòi hỏi có sự tham gia của cả xã hội, không chỉ là việc riêng của một Bộ hay đơn vị. Sách ngoài hình thức truyền thống thì cũng có sách số, ví dụ như nền tảng Reavol - ứng dụng đọc sách do người Việt sáng tạo, đang được sử dụng tại Bộ, rất dễ dàng cài đặt và sử dụng, mang đến trải nghiệm đọc hoàn toàn mới mẻ cho người dùng. Ông Toản mong rằng người dùng sẽ phát triển thói quen đọc sách nhiều hơn trên các nền tảng số. Mỗi đơn vị Bộ nên có không gian sách, mỗi người đứng đầu đơn vị nên đi tiên phong, truyền cảm hứng cho các cán bộ đơn vị mình.

Bên cạnh đó, ông Toản cho rằng, Thư viện Bộ NN&PTNT sẽ trở thành nơi chia sẻ tri thức của ngành tới cộng đồng. Thư viện Bộ có thể hỗ trợ, đồng hành với các dự án sách hóa nông thôn, góp phần truyền thông, đưa thông tin về ngành đến gần hơn với người nông dân ở các địa phương.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp chia sẻ tại tọa đàm

Các đại biểu tại buổi tọa đã có những trao đổi, chia sẻ xoay quanh các vấn đề: Phương thức truyền cảm hứng, vận động phát triển văn hóa đọc hiệu quả; giải pháp gieo mầm thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách trong hộ gia đình; cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển tủ sách gia đình; công tác huy động sự tham gia phối hợp của các hội, đặc biệt là hội phụ nữ, cơ quan quản lý, đơn vị xuất bản trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc sách; phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghệ số; giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng tại địa phương, đơn vị; đề xuất giải pháp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nông thôn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ phương pháp thúc đẩy văn hóa đọc sách tại gia đình

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu nói mà ông rất tâm đắc tại tọa đàm: “Đọc sách để thấy mình nhỏ bé hơn, nhỏ bé để trở lên lớn mạnh, từ nghèo khó trở nên giàu có, thấy mình chậm để đi nhanh hơn. Đọc sách để thay đổi, để người nông dân ta bớt khổ, tiến bộ, văn minh hơn”. Qua đó bộ trưởng mong muốn sẽ có nhiều sách hữu ích,phù hợp cho người nông dân.

Qua buổi Tọa đàm, Bộ trưởng đã gợi mở cho các nhà khoa học, nhà quản lý những giải pháp viết sách cho người nông dân, nhân rộng văn hóa đọc sách trong phong trào nông thôn mới. “Chúng ta cần một cuộc cách mạng về sách cho nông thôn. Cần chuyển thể những bài báo khoa học thành ngôn ngữ của người dân để những câu chữ hàn lâm không còn là rào cản giữa nông dân và những trang sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các tác giả, nhà xuất bản khi viết sách cho người nông dân thì cần diễn đạt ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi để chuyển tải được kiến thức, công nghệ, kỹ thuật đến gần hơn với bà con nông dân. Bộ trưởng mong muốn, sách phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần được thay đổi để bà con nông dân có thể đọc và áp dụng nhanh vào thực tế nhằm cải thiện sinh kế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Đọc sách để thấy mình nhỏ bé hơn"

V.A (mard.gov.vn)