HÀ NỘI - Với vốn đầu tư 11 triệu USD, cao bốn tầng, thư viện dùng chung cho 45 trường đại học dự kiến phục vụ khoảng 600.000 sinh viên, 27.000 giảng viên.
Đặt tại Đại học Kinh tế quốc dân, thư viện Phạm Văn Đồng được thiết kế bốn tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 10.000 m2. Nguồn tài liệu của thư viện được số hóa và chia sẻ cho 45 trường đại học thuộc khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý.
Được Thủ tướng phê duyệt kế hoạch năm 2017, sau 5 năm xây dựng, thư viện số đi vào hoạt động từ giữa tháng 11.
Công trình thuộc dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ với tổng vốn đầu tư 11 triệu USD. Trong đó, một triệu USD do Đại học Kinh tế quốc dân đối ứng.
Thư viện Phạm Văn Đồng được thiết kế theo không gian mở với cầu thang xoắn ốc đặt chính giữa.
Thạc sĩ Bùi Thị Sen, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết mỗi tầng của thư viện mang một chủ đề riêng. Tầng một được thiết kế nhiều bàn, ghế để sinh viên thuận tiện mượn sách và đọc tại chỗ; tầng hai mang phong cách hiện đại, còn tầng ba được bố trí như một quán cà phê sách, nhằm tạo không gian làm việc, kích thích sự sáng tạo của sinh viên.
Tầng bốn là khu vực hành chính, dành cho cán bộ, nhân viên thư viện.
Tại mỗi tầng, ngoài những khu vực sử dụng chung, thư viện còn có một số phòng nhỏ, phù hợp họp nhóm hoặc tổ chức workshop.
|
|
Một góc tầng ba trong thư viện 11 triệu USD. |
Thư viện mở cửa trong khung giờ 7h30 - 21h30 từ thứ hai đến sáu, riêng thứ bảy đóng cửa lúc 17h30 và nghỉ chủ nhật. Mỗi ngày, khoảng 700-1.000 lượt sinh viên tới thư viện và cao hơn trong giai đoạn ôn thi.
Điểm nhấn trong kiến trúc của thư viện là căn phòng mang phong cách cổ điển, sang trọng được đặt tại tầng hai. Phòng có tám bộ máy tính để bàn, được chia đều thành hai khu. Sách tại phòng này hầu hết là ngoại văn kinh tế và các sách liên quan triết học.
Đây là một trong những khu vực sử dụng chung, mở cửa tự do cho người tới thư viện. Sinh viên đặt tên cho địa điểm này là "phòng hoàng gia".
Để thuận tiện cho sinh viên và giảng viên tra cứu, ngoài sách bản in được chia theo nhóm và bày tại các tầng, thư viện cũng có bản sách điện tử, được số hóa thành các mã QR. Người dùng chỉ cần quét các mã này để đọc bản điện tử của sách.
Trần Kim Chi, sinh viên năm hai, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Đại học Kinh tế quốc dân) đang tham khảo tài liệu nước ngoài tại "phòng hoàng gia".
Chi đánh giá thư viện có rất nhiều sách tiếng Anh, giúp sinh viên có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu trong quá trình học. Trước khi thi 7-10 ngày, Chi thường lên thư viện tìm giáo trình, sách tham khảo để ôn bài.
Để truy cập hệ thống thư viện số, sinh viên và giảng viên của 45 trường vào website neulib.neu.edu.vn, dùng tài khoản email được trường sở tại cấp để đăng nhập. Người dùng có thể sử dụng máy tính, điện thoại cá nhân và truy cập từ một vị trí bất kỳ, không bắt buộc đến thư viện và dùng máy tính để bàn.
Hệ thống dữ liệu của thư viện số được chia thành hai nhóm ngoại sinh và nội sinh. Tài liệu ngoại sinh do Ngân hàng thế giới tài trợ, chủ yếu là sách chuyên ngành kinh tế bằng tiếng Anh do các nhà xuất bản uy tín thế giới phát hành. Tài liệu nội sinh do các trường đóng góp, gồm 18.000 luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học, giáo trình... Tổng số đầu sách và tạp chí là hơn hơn 2,3 triệu.
Thạc sĩ Bùi Thị Sen cho biết trong chín tháng đầu năm nay, thư viện số có địa chỉ lic.neu.edu.vn với hơn 150.000 lượt truy cập. Đến giữa tháng 10 khi chuyển sang tên miền neulib.neu.edu.vn, số lượt truy cập là 19.000 trong hơn một tháng. Dự kiến, khoảng 600.000 sinh viên và 27.000 giảng viên được tiếp cận nguồn học liệu của thư viện số.
Nguyễn Hoài Linh, 19 tuổi, sinh viên năm hai, ngành Kinh tế nông nghiệp (Đại học Kinh tế quốc dân) thường cùng bạn bè đến thư viện để ôn bài trước mỗi kỳ thi.
Linh đánh giá thư viện số tiện lợi trong việc tra cứu, tiết kiệm thời gian tìm kiếm và giúp em có thể tiếp cận nguồn tài liệu lớn ngay ở nhà.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), đang tra cứu các báo cáo tài chính từ máy tính để bàn, đặt tại thư viện. Không chỉ sinh viên, nguồn tài liệu của thư viện cũng hỗ trợ các giảng viên trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy.
Thầy Tuấn Anh cho biết do liên quan đến bản quyền hợp tác với đơn vị cung cấp, một số khảo sát, báo cáo tài chính chỉ có thể truy cập từ máy tính của trường. Do đó, thầy thường tới thư viện để đọc và nghiên cứu. "Những lúc có đề tài khoa học, tôi cũng như sinh viên, ở thư viện hàng giờ liền", thầy Tuấn Anh nói.
Khu vực tầng 2 - nơi mang phong cách hiện đại.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, thạc sĩ Bùi Thị Sen, giai đoạn một của dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học bắt đầu từ năm 2017 và kết thúc vào cuối năm 2022.
Sang giai đoạn hai khi tự chủ vận hành, mạng lưới 45 trường có thể được mở rộng, nhằm tăng cường hợp tác và cải thiện chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress.net