Ngoài việc được miễn học phí, từ năm học mới này, sinh viên nhóm ngành sư phạm được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí.

leftcenterrightdel
Sinh viên
 

Tại hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT thông tin tại điều 4 của của Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyên vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

Nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các địa phương (đơn vị giao nhiệm vụ, đặt hàng) với các cơ sở đào tạo ngành giáo viên (đơn vị nhận nhiệm vụ, đặt hàng) để trao đổi thông tin cung và cầu, với mục tiêu đạt được kết quả tốt nhất có thể trong quá trình triển khai Nghị định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ xây dựng phần mềm tuyển sinh ngành sư phạm (trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm).

Việc giao/nhận nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 63 địa phương và 102 cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành sư phạm. Để triển khai thực hiện được, Bộ yêu cầu các địa phương cần cử cán bộ lãnh đạo và chuyên viên làm đầu mối để nhận hướng dẫn từ Bộ, nhận thông tin từ các cơ sở đào tạo và trực tiếp xử lý thông tin trên trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm.

Đối với địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các nội dung kế hoạch chi tiết triển khai giao/nhận nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng. Đối với cơ sở đào tạo rà soát toàn bộ thông tin liên quan của cơ sở đào tạo (về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành đào tạo tính đến thời điểm hiện tại, thông tin các năm trước...) trên trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm.

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Còn với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp).

Để nhận được hỗ trợ nói trên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển, sinh viên sư phạm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp theo thủ tục sau đây:

Sinh viên chỉ nộp 1 bộ hồ sơ cho 1 lần đầu đề nghị hỗ trợ trong cả thời gian học tại cơ sở đào tạo giáo viên.

Trong hồ sơ phải có đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên (Theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm).

Sau đó, sinh viên nộp hồ sơ theo một trong ba cách thức sau:

- Nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo giáo viên.

- Nộp qua đường bưu điện.

- Nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên (nếu có).

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký, cơ sở đào tạo giáo viên thống nhất với cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để xác nhận và thông báo cho sinh viên sư phạm được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và xét duyệt các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong phạm vi chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo và không thuộc chỉ tiêu đặt hàng.

Danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên đồng thời gửi cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để thực hiện.

Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.

Nguồn: Tiền Phong