Ngày 14/08/2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chính thức tổ chức lễ ra mắt Ban Đối tác Chăn nuôi không lồng nhốt (Cage Free) tại Việt Nam. Sự kiện này nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động liên quan đến phúc lợi động vật trong ngành chăn nuôi, với sự tham gia của hơn 100 khách mời từ các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường học, doanh nghiệp và sinh viên.

leftcenterrightdel
 Ban đối tác Chăn nuôi không lồng nhốt tại Việt Nam ra mắt

Lễ ra mắt diễn ra trong khuôn khổ hội thảo “Chuyển đổi Gà không lồng: Cơ hội và Thách thức” do Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam – VNUA) cùng Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) đồng tổ chức. Hội thảo tập trung thảo luận và chia sẻ thông tin khoa học liên quan đến phúc lợi trong chăn nuôi gà, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng mô hình chăn nuôi gà không lồng tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự hội thảo 

Kết nối hệ sinh thái chăn nuôi không lồng tại Việt Nam

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch VFAEA và Trưởng ban Đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của phúc lợi động vật, vốn đã được luật hóa trong Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018. Bà cho biết, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật theo chương trình Humane Farm Animal Care (HFAC). Tuy nhiên, việc kết nối giữa các trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp thu mua vẫn còn hạn chế, đồng thời, người tiêu dùng chưa thực sự quen thuộc với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn phúc lợi động vật.

leftcenterrightdel
 TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch VFAEA, đồng thời cũng là Trưởng ban đối tác chăn nuôi không lồng nhốt

Ban Đối tác Chăn nuôi không lồng nhốt, bao gồm đại diện từ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như C.P., De Heus, San Hà, cùng các đơn vị khác, đã được thành lập để kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái này. Ban sẽ họp định kỳ 3 tháng/lần để chia sẻ thông tin và giải quyết các khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí quốc tế về phúc lợi động vật.

Cơ hội và thách thức trong chăn nuôi gà không lồng

Tại hội thảo, TS. Bùi Huy Doanh, Phó phụ trách Khoa Chăn nuôi (VNUA), đã chia sẻ về những thách thức trong việc chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi gà đẻ truyền thống sang mô hình không lồng. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù phương pháp chăn nuôi không lồng mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và năng suất của vật nuôi, nhưng cũng đối mặt với các khó khăn như chi phí cao và rủi ro về dịch bệnh.

leftcenterrightdel
TS. Bùi Huy Doanh, Phó phụ trách Khoa Chăn nuôi (VNUA)  

GS.TS Nguyễn Xuân Trạch từ Khoa Chăn nuôi (VNUA) cũng bổ sung rằng, phúc lợi động vật là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững trong chăn nuôi. Ông nhấn mạnh rằng các vi phạm về phúc lợi động vật, như nuôi nhốt ở mật độ cao, đã gây ra những hành vi bất thường ở vật nuôi và ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi không lồng không chỉ cần thiết cho sự phát triển của ngành mà còn là yêu cầu của thị trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, Khoa Chăn nuôi (VNUA)

Cam kết từ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tham gia cũng khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy mô hình chăn nuôi không lồng. Đại diện từ C.P. Việt Nam và Mondelez Kinh Đô đã chia sẻ kế hoạch chuyển đổi sang mô hình này, với mục tiêu sử dụng 100% trứng không lồng vào năm 2030.

leftcenterrightdel
 Các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội tọa đàm về chuyển đổi gà không lồng

Buổi lễ ra mắt không chỉ là dấu mốc quan trọng trong việc phát triển phúc lợi động vật tại Việt Nam mà còn là cơ hội để các bên liên quan hợp tác và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Thông tin liên hệ: TS. Cù Thị Thiên Thu, cttthu@vnua.edu.vn

Nguồn: nhachannuoi.vn