Một số địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc trong các nhà máy, trang trại, xưởng chế biến thực phẩm, kho vận, logistics…

leftcenterrightdel
 Diễn đàn “Hợp tác nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản” diễn ra sáng 21/8, tại Nhật Bản. Ảnh: Ngô Giang.

Sáng 21/8 tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức Diễn đàn “Hợp tác nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản”.

Thông qua Diễn đàn, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ NN-PTNT cùng 10 doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi thông tin tiềm năng hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và đưa lao động nông nghiệp chất lượng cao sang làm việc tại Nhật Bản. Cùng tham dự Diễn đàn có đại diện Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản; Tham tán Lao động và Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. 

Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại như xây dựng hệ thống thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến, cũng như công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

“Trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản cũng đã tổ chức, đào tạo tập huấn cho nhiều cán bộ, kỹ sư và nông dân Việt Nam, giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, già hóa dân số và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, là trụ cột quan trọng để giải quyết những khó khăn thách thức truyền thống và phi truyền thống. 

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định: “So với tiềm năng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước thì kết quả hợp tác đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tế”. 

leftcenterrightdel
 Học viện Nông nghiệp Việt Nam đáp ứng đào tạo nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh minh họa).

Theo đó, nhiều trao đổi hữu ích tại Diễn đàn giúp hai bên hiểu hơn về lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng yêu cầu bố trí việc làm thuộc các ngành nghề là thế mạnh của 2 nước.

Những cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam được làm rõ trong tham luận của 5 đại biểu Việt Nam: GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi; GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp; GS.TS Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang; GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Từ phía Nhật Bản, các đối tác của Việt Nam như JICA, Công ty Upraise, Trường Đại học Hiroshima, tỉnh Miyazaki cùng một số doanh nghiệp trình bày nhu cầu tuyển dụng và điều kiện tuyển dụng đối với sinh viên và lao động Việt Nam, để làm việc trong các nhà máy, trang trại, xưởng chế biến thực phẩm, kho vận, logistics, đặc biệt trong điều kiện dân số Nhật đang già hóa và chiều hướng giảm.

Miyazaki có thế mạnh về sản xuất nông sản, thủy sản, nhưng dân số của tỉnh đã giảm từ gần 1,2 triệu người (năm 2000) xuống còn 1 triệu (năm 2025), và được dự báo sẽ giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2045. Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác trong nước. 

Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản đang tăng mạnh. Hiện nay, lao động Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Miyazaki, với 36,2%, tương đương hơn 2.500 người. Tỉnh Miyazaki đã ký kết thỏa thuận với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để đưa sinh viên và lao động sang làm việc tại Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Tỉnh Niigata có thế mạnh về sản xuất lúa gạo và đào tạo nhân lực sản xuất lúa chất lượng cao (Ảnh minh họa).

Ngoài hợp tác trong giáo dục và sử dụng nguồn nhân lực, các tổ chức và địa phương tại Nhật Bản cũng thảo luận về cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Điển hình, tỉnh Niigata có nền tảng giáo dục nông nghiệp hợp tác giữa công nghiệp, giáo dục, tài chính và chính quyền địa phương để đào tạo đa dạng và phù hợp với thực tiễn.

Ông Satoshi Koike - Giám đốc Chương trình giáo dục nông nghiệp Niigata - khẳng định thế mạnh chung của tỉnh Niigata và Việt Nam về sản xuất lúa gạo, cũng như và định hướng chung nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải nhà kính và quản lý dịch hại tổng hợp. Ông tin tưởng, kinh nghiệm của địa phương Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ và nguồn nhân lực trong nông nghiệp, sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

 

Quỳnh Chi - nongnghiep.vn