Trên toàn cầu, tổn thất và lãng phí lương thực là một vấn đề cấp bách, chiếm tới gần 30% tổng sản lượng lương thực hàng năm, tương đương khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí. Việt Nam đứng thứ hai châu Á - Thái Bình Dương về lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn bị lãng phí mỗi năm, tương đương 3,9 tỷ USD hay gần 2% GDP hiện nay, gấp đôi so với nhiều nền kinh tế tiên tiến. Do vậy, giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm là một trong những ưu tiên cần giải quyết. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất giải pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch tiên tiến là yếu tố then chốt quyết định góp phần giảm tổn thất, lãng phí thực phẩm cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để tiếp cận và cập nhật với những quy định, chính sách của quốc gia, quốc tế về bao bì thực phẩm, đồng thời là diễn đàn để chia sẻ những kết quả nghiên cứu về áp dụng các giải pháp sau thu hoạch, đặc biệt là bao gói để đảm bảo chất lượng thực phẩm, ngày 5/9/2024, nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVN) đã kết hợp với các chuyên gia Ailen đến từ Đại học công nghệ Dublin, (TU Dublin), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thủy sản (NAFIQPM) tổ chức Hội thảo cấp Học viện với chủ đề “Giải pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch bền vững cho Việt Nam”.
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu đã phát biểu chào mừng, giới thiệu tóm tắt về chủ đề và chương trình hội thảo. Đại diện cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm đã phát biểu khai mạc hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch trong chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như cơ hội của việc tiếp cận những xu hướng mới của khoa học về bao bì thực phẩm khu vực và thế giới theo hướng phát triển bền vững, đồng thời đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu giữa hai trường: HVN và TU Dublin trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu trực tiếp tại HVN và trực tuyến bao gồm các nhà khoa học đến từ TU Dublin và Cơ quan An toàn thực phẩm của Ailen, đại diện tổ chức Rikolto, các nhà quản lý của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thủy sản, các lãnh đạo và nhân viên của 8 doanh nghiệp về nông nghiệp và thực phẩm, đại diện 4 hiệp hội sản xuất và hiệp hội người tiêu dùng, các nhà khoa học đến từ viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, giảng viên của 3 trường đại học và đông đảo nghiên cứu sinh, sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm, HVN. Đại diện cho Đại sứ quán Ailen, bà Nguyễn Thị Hương, chuyên gia tư vấn các chương trình hợp tác song phương cũng đến dự với Hội thảo.
Một số báo cáo chính được trình bày tại Hội thảo gồm:
1. “Nghiên cứu về bao bì thực phẩm bền vững để bảo vệ an toàn thực phẩm và kiểm soát rác thải tại Ai len”. Diễn giả là TS. Swarna Jaiswal, nhóm nghiên cứu bao bì bền vững, Khoa Khoa học và sức khỏe, Trường Đại học Công nghệ Dublin – Ailen.
2. “Xử lý và đóng gói sau thu hoạch cho hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững” do TS. Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thủy sản (NAFIQPM) trình bày.
3. “Nghiên cứu của VNUA về bao bì thực phẩm bền vững để đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu chất thải môi trường và nâng cao giá trị các sản phẩm phụ nông nghiệp” là bài trình bày của ThS. Nguyễn Trọng Thăng, Giảng viên - Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, HVN.
4. “Công nghệ MAP và EMAP tại Việt Nam” được ThS. Nguyễn Mạnh Hiếu, Trưởng Bộ môn Công nghệ bảo quản thực phẩm và nông sản, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch trình bày.
5. “Đảm bảo an toàn cho bao bì thực phẩm – Quan điểm của người Ai Len” do TS. Bernard Hegarty, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ai Len báo cáo trực tuyến.
Sau phiên báo cáo tham luận là những thảo luận sôi nổi giữa diễn giả và các đại biểu tham gia, những chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, trong nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và phát triển các loại bao bì thực phẩm mới giữa. Một chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều bên là hướng nghiên cứu khai thác sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng những vật liệu mới phát triển thành những loại màng bao gói sinh học an toàn và thân thiện với môi trường. Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà khoa học hai nước trao đổi, thảo luận để tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác nghiên cứu, đào tạo.
Kết thúc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy thay mặt ban tổ chức hội thảo gửi lời cảm ơn đến các diễn giả và đại biểu tham gia. Hy vọng trong thời gian tới, các giảng viên, nghiên cứu viên của TU Dublin và HVN sẽ có thêm cơ hội để tiếp tục chia sẻ về các chủ đề mới, cũng như duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Một số hình ảnh của Hội thảo
|
|
PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật phát biểu chào mừng |
|
|
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
|
TS. Swarna Jaiswal, nhóm nghiên cứu bao bì bền vững, Khoa Khoa học và Sức khỏe, Trường Đại học Công nghệ Dublin – Ailen báo cáo |
|
|
TS. Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nông lâm thủy sản (NAFIQPM) trình bày tại Hội thảo |
|
|
GS. Christine O'Connor, Trưởng Bộ phận nghiên cứu, Khoa Khoa học và Sức khỏe, TU Dublin phát biểu |
|
|
Ông Fintan Moran, chuyên gia luật thực phẩm, TU Dublin phát biểu |
|
|
Một số đại biểu tham gia Hội thảo |
|
|
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo |
Nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật