Thực
hiện Quyết định số 3319/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 01-02/11/2019, tại thành phố Đà Nẵng,
Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức “Hội nghị Tổng kết công tác ứng dụng
Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện
Việt Nam (2014 - 2019)”.
Tham
dự Hội nghị có Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện; Bà Kiều
Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam; ông Lê Hải Đăng - Phó
Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám
đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám
đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Đà Nẵng; ông Dương Hồng Cơ - Phó Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo và
viên chức làm công tác nghiệp vụ của các thư viện tỉnh/ thành phố, thư
viện chuyên ngành, thư viện đại học, các cơ sở đào tạo ngành thông tin -
thư viện trong cả nước.
Phân
loại tài liệu luôn được xem xét là một khâu xử lý kỹ thuật then chốt
trong hoạt động của các thư viện nhằm tạo ra ngôn ngữ tìm tin phân loại,
có thể phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của tài liệu theo từng lĩnh
vực tri thức, góp phần tích cực cho công tác giới thiệu, phổ biến cho
người đọc. Trong quá trình phân loại tài liệu, việc sử dụng một khung
phân loại phải đảm bảo là một công cụ mang tính khoa học, phổ cập, mềm
dẻo và hiện đại để đem lạihiệu quả trongcông tác phân loại, đồng thời,
mang lại những lợi ích thiết thực cho trao đổi thông tin và hội nhập
quốc tế của các thư viện.
Với
mục tiêu hội nhập và phát triển, kể từ năm 2001, TVQG với tư cách là
đơn vị đầu ngành trong việc biên soạn và áp dụng các chuẩn nghiệp vụ mới
đã chính thức kiến nghị sử dụng Khung phân loại thập phân Dewey trong
công tác phân loại tài liệu. Sau Khung phân loại thập phân Dewey, phiên
bản rút gọn 14 được dịch sang tiếng Việt và phát hành năm 2006, tháng
8/2010, TVQG đã có thoả thuận với OCLC, cơ quan giữ bản quyền Khung phân
loại thập phân Dewey về việc tổ chức dịch DDC phiên bản đầy đủ từ tiếng
Anh sang tiếng Việt. Tháng 5/2011, Ấn bản DDC 23 tiếng Anh được phát
hành tại Hoa Kỳ và tháng 7/2011 được phát hành ra nước ngoài. Tháng
8/2011, TVQG đã nhận được toàn bộ Ấn bản DDC 23 tiếng Anh và bắt đầu
triển khai dịch sang tiếng Việt. Ngày 29/11/2013, TVQG đã tổ chức Lễ
công bố Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 tiếng Việt – DDC 23
để áp dụng trong các thư viện và cơ quan thông tin Việt Nam nhằm đảm bảo
tính thống nhất khi phân loại tài liệu. Ngay sau Lễ công bố, TVQG đã tổ
chức Khoá tập huấn đào tạo 62 giáo viên nguồn cho đại diện các thư
viện, trung tâm thông tin, thư viện chuyên ngành, một số đơn vị đào tạo
nghề thư viện trong cả nước. Năm 2014, TVQG tổ chức các khoá tập huấn,
đào tạo sử dụng Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 tiếng Việt -
DDC 23 ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và các thư viện trong cả nước chuyển dần
sử dụng thay thế các khung phân loại khác. Sau 5 năm triển khai áp
dụng, bước đầu các thư viện đã đạt được những kết quả quan trọng.
Với
tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ và khoa học, 12 báo cáo tham
luận được trình bày, 2 bài giới thiệu của các công ty công nghệ và các ý
kiến trao đổi tại Hội nghị đã tập trung chia sẻ và thảo luận các nội
dung: Tổng kết, đánh giá tình hình triển khai và kết quả ứng dụng Khung
phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 tiếng Việt - DDC 23 tại Thư viện;
Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng DDC 23;
Bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình áp dụng DDC 23 từ năm 2014
-2019; Từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằmnâng cao chất lượng và
hiệu quả công tác phân loại trong thời gian tới.
Từ năm 2014 đến năm 2019, hệ thống thư viện Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng DDC 23 như:
-
Việc áp dụng DDC 23 đã góp phần quan trọng trong thực hiện chuẩn hoá
hoạt động nghiệp vụ và thúc đẩy tiến trình hội nhập của thư viện Việt
Nam với cộng đồng thư viện thế giới.
-
Hệ thống thư viện Việt Nam đã có sự thống nhất cao về chủ trương áp
dụng DDC 23 vào hoạt động thư viện. Các thư viện đã chủ động triển khai
ứng dụng DDC 23 trong hầu khắp các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị mình.
Đến nay, phần lớn các thư viện đã áp dụng DDC 23. Các thư viện chưa áp
dụng đều có kế hoạch áp dụng trong 5 năm tới.
-
Đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn sử dụng DDC 23, đào tạo được số
lượng đáng kể đội ngũ người làm công tác thư viện có thể hiểu, nắm vững
và sử dụng DDC 23 trong phân loại tài liệu và tổ chức các hoạt động
nghiệp vụ. Khoá tập huấn giảng viên nguồn do TVQG tổ chức đã đào tạo
được những người làm thư viện có trình độ, am hiểu về DDC 23 để có thể
áp dụng kiến thức đã được học về đào tạo cho người làm thư viện trong hệ
thống của mình.
-
DDC 23 là khung phân loại được cập nhật mới và đầy đủ nhất hiện nay, đã
khắc phục được một số hạn chế của DDC 14 ấn bản rút gọn. Hệ thống thư
viện đã có một công cụ phân loại mới nhất ở Việt Nam mà trong đó có đủ
chỗ (đủ ký hiệu tương ứng) để phân loại tài liệu về các lĩnh vực khoa
học và công nghệ mới ra đời, cũng như các vấn đề thay đổi về địa lý,
chính trị, lịch sử của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.
-
Việc sử dụng chung một khung phân loại tạo thuận lợi cho việc trao đổi,
chia sẻ và khai thác thông tin giữa các thư viện, do vậy đã tiết kiệm
được đáng kể thời gian cho công tác biên mục phân loại tài liệu khi dùng
kết quả biên mục tại nguồn.
-
Khung phân loại DDC 23 thuận tiện cho việc tổ chức sắp xếp kho cũng như
giúp tổ chức và tìm kiếm tài liệu thuận tiện và nhanh chóng.
-
Không chỉ áp dụng trong thực tế, DDC 23 còn được đưa vào chương trình
giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến
thức chung về phân loại tài liệu bằng khung phân loại này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã xác định được những hạn chế còn tồn tại như:
-
Các văn bản về áp dụng DDC của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ mang
tính chất khuyến nghị, chưa mang tính bắt buộc ứng dụng các chuẩn
nghiệp vụ chung trong toàn hệ thống thư viện.
-
Vẫn còn sử dụng nhiều khung phân loại khác nhau trong hệ thống thư viện
toàn quốc như: DDC 23, DDC 14, BBK, LCC, 19 lớp, NLM… gây khó khăn
trong việc trao đổi nghiệp vụ và chia sẻ thông tin giữa các thư viện.
- Việc chuyển đổi sử dụng DDC23 trong hệ thống thư viện công cộng chưa toàn diện, vẫn còn thư viện đang sử dụng DDC14.
-
Nhiều thư viện triển khai chậm hoặc không áp dụng DDC, chủ yếu là hệ
thống thư viện chuyên ngành, đa ngành, trong đó có cả những thư viện
chuyên ngành lớn.
-
Tiến độ các thư viện đại học khu vực miền Bắc chuyển đổi và sử dụng
thống nhất DDC 23 chưa nhanh bằng khối thư viện đại học khu vực miền
Nam.
-
Còn một số vướng mắc trong quá trình sử dụng DDC 23 trong phân loại tài
liệu như: Ký hiệu phân loại DDC 23 dài dễ gây sai sót, nhầm lẫn khi xử
lý cũng như khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu, việc in nhãn bị tràn ra
ngoài; Sự phân chia giữa các lĩnh vực khoa học trong DDC chưa đồng nhất,
tài liệu về một ngành nhưng lại xuất hiện ở các lớp khác nhau; Có quá
nhiều ghi chú, chỉ dẫn, tham chiếu, chỉ thị diện, các bảng phụ, bảng ưu
tiên, các bảng thêm nội bộ, thêm chỉ số đầy đủ, thêm một phần của chỉ
số… nên khó khăn trong việc tạo lập chỉ số phân loại cho tài liệu. Quá
trình tạo lập cần bảo đảm sự chính xác, thống nhất và khoa học đòi hỏi
người làm công tác phân loại phải tìm hiểu kỹ và tuân thủ nghiêm túc do
đó sẽ tốn nhiều thời gian và công sức đầu tư nghiên cứu và lựa chọn.
-
Việc đào tạo DDC ở một số cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập: Thiếu công
cụ giảng dạy, phân bố thời lượng dạy về DDC chưa thích hợp. Việc một số
thư viện chưa được đào tạo, tập huấn về DDC 23, chưa áp dụng DDC 23 cũng
đã gây trở ngại cho sinh viên khi về thực tập tại cơ sở. Bên cạnh đó,
chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đòi hỏi giảng viên phải có
kinh nghiệm về DDC 23.
-
Vấn đề đào tạo và đào tạo lại chưa được tổ chức thường xuyên. Công tác
đào tạo chỉ mới dừng ở mức cơ bản với những khoá tập huấn ngắn ngày,
chưa mở được những lớp đào tạo nâng cao.
-
Chưa thường xuyên tổ chức những hội nghị, hội thảo về DDC 23 để bàn về
các vấn đề nảy sinh trong quá trình áp dụng, từ đó kịp thời đưa ra
phương án giải quyết, chia sẻ những cách làm hay.
Phát
huy những kết quả đạt được trong 5 năm qua, đồng thời xác định được
những hạn chế tồn tại, Hội nghị nhất trí đề ra phương hướng, giải pháp
ứng dụng DDC 23 trong thời gian tới như sau:
-
Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chuẩn hóa các hoạt động
nghiệp vụ thư viện. Các văn bản cần có tính pháp lý cao, quy định cụ thể
về việc thống nhất dùng chung DDC 23 trong toàn ngành Thư viện.
- Đề nghị các Bộ, Ngành có các văn bản chỉ đạo về việc áp dụng DDC 23 vào các thư viện trong hệ thống thư viện do mình quản lý.
-
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên phối hợp với cơ quan liên quan ban
hành văn bản quy phạm pháp luật về quy định định mức, thù lao cho người
làm thư viện về biên mục và xử lý tài liệu.
-
Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông cần có văn bản chỉ đạo bắt
buộc các nhà xuất bản trong toàn quốc phải tham gia biên mục trước xuất
bản trên tất cả xuất bản phẩm của mình.
-
Tăng cường kinh phí cho hoạt động thư viện nói chung và cho công tác
ứng dụng DDC 23 nói riêng nhằm thúc đẩy hoạt động và mang lại hiệu quả.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình áp dụng.
-
Thường xuyên mở các lớp đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao kiến
thức sử dụng Khung phân loại DDC 23. Ban hành rộng rãi các tài liệu
hướng dẫn sử dụng DDC 23 để các thư viện có điều kiện tiếp cận, nghiên
cứu.
-
Đẩy mạnh biên mục tại nguồn, công tác này cần có sự thống nhất cao giữa
các đơn vị trong khi triển khai. Xây dựng mục lục dùng chung để tiết
kiệm công sức và kinh phí.
-
Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với quy mô phù hợp nhằm tạo diễn đàn
trao đổi, chia sẻ những vấn đề trong công tác ứng dụng DDC 23.
-
Hỗ trợ các địa phương trong công tác triển khai DDC 23 bài bản, có kế
hoạch và tàiliệu hướng dẫn chi tiết; hỗ trợ, triển khai lớp tập huấn tại
địa phương. Thường xuyên đi khảo sát tình hình áp dụng DDC 23 tại các
đơn vị để kịp thời có sự tư vấn, giúp đỡ.
-
Các thư viện cần chủ động lên kế hoạch cụ thể về việc sử dụng DDC 23
cho đơn vị mình. Trong bước đầu ứng dụng có thể dùng DDC 23 cho xử lý
tài liệu mới và khi có điều kiện sẽ tiến hành hồi cố tài liệu cũ.
-
Những người làm thư viện đã được tham gia lớp đào tạo tập huấn của
TVQG, cần tiến hành đào tạo tại đơn vị để truyền thụ kiến thức đã được
học cho đội ngũ người làm công tác biên mục để có thể áp dụng vào công
tác phân loại.
- Các thư viện và cơ quan thông tin cần phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho việc ứng dụng DDC 23.
-
Tổ chức một bộ phận tại TVQG chuyên tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp những
vướng mắc cho người làm công tác biên mục ở các đơn vị đối với những vấn
đề về DDC.
-
Xây dựng chuyên mục hỏi - đáp về nghiệp vụ trên trang web của TVQG để
các thư viện có thể trao đổi trực tiếp những khó khăn trong hoạt động
nghiệp vụ, đặc biệt là trong sử dụng DDC 23.
- TVQG xây dựng một bộ hướng dẫn sử dụng trực tuyến về DDC 23, Ấn bản tiếng Việt.
-
Hướng đến việc sử dụng WebDewey trong phân loại tài liệu. Việc sử dụng
bản điện tử có mức độ cập nhật thường xuyên và liên tục theo sự thay đổi
của các ngành khoa học mới cũng như xu hướng liên ngành.
Một số hình ảnh hội nghị:
Toàn cảnh hội nghị
Bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc TVQG phát biểu khai mạc Hội nghị
TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tham luận “Một số vấn đề áp dụng Khung phân loại DDC 23 trong hệ thống thư viện tại Việt Nam”
Bà Vũ Hồng Lan – Trung tâm Thông tin - Thư viện Lương Định Của, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng DDC tại Thư viện Lương Định Của, Học viện Nông nghiệp Việt Nam”
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm