Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện luôn gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu, học đi đôi với hành, liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: P.V 

Ngành nông nghiệp đang có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và tích hợp đa giá trị. Xin giáo sư cho biết, với vai trò là cơ sở đào tạo đại học hàng đầu về nhân lực ngành nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên những giải pháp gì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?

- Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, chyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho các địa phương, doanh nghiệp, những năm qua, bên cạnh công tác đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, có cơ chế để thu hút các giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ cao phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, Học viện cũng gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu, học đi đôi với hành, liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các em học sinh phổ thông trung học thông qua các cuộc thi đổi mới sang tạo. Thông qua những cuộc thi này, các em có thêm tình yêu với ngành nông nghiệp, có thêm những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học,... 

Với những em có những ý tưởng tốt về khởi nghiệp, chúng tôi sẽ trao giải. Những ý tưởng tốt sẽ tiếp tục được chúng tôi nuôi dưỡng, cấp những học bổng để các em có thể triển khai vào thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Học viện Nông nghiệp Việt Nam khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các em học sinh phổ thông trung học thông qua các cuộc thi đổi mới sang tạo. Ảnh: P.V

Đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo "đơn đặt hàng", đào tạo gắn với chuyển giao công nghệ đang là mục tiêu nhiều cơ sở đào tạo đại học hướng đến. Mục tiêu này ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thể hiện như thế nào, thưa giáo sư?

- Thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngoài công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Những năm qua, Học viện đã có nhiều đóng góp cho các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Có thể khẳng định, rất nhiều tỉnh, thành đã có dấu chân của các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, chúng tôi xác định công tác nghiên cứu khoa học phải là bệ đỡ, phải là sức sống, là hơi thở của trường đại học. Muốn vậy, các viện nghiên cứu hay phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế (ISO) có vai trò vô cùng quan trọng. 

Các cơ sở này không chỉ là điều kiện cần để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo và công bố quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo công nghệ mới, cũng như phát triển dịch vụ xã hội phục vụ cộng đồng. 

Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong khoảng 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành và Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đã đã tập trung phát triển một mạng lưới 12 phòng thí nghiệm trọng điểm, vừa cho phép phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, vừa đảm nhiệm vai trò dịch vụ xã hội. 

Các dịch vụ này gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng như các dịch vụ đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm… Nói cách khác, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu theo đơn đặt hàng. 

Thực tế, so với các ngành khác, một số ngành thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp hiện chưa thu hút được thí sinh đăng ký. Giáo sư có đề xuất giải pháp gì để cải thiện thực trạng này?

- Theo tôi, cần trang bị kiến thức cho học sinh hiểu, để các em nhìn nhận đúng hơn về các ngành nghề nông - lâm – ngư nghiệp. Có thể thấy, ngành nông nghiệp ngày càng hiện đại, với các thiết bị hỗ trợ sản xuất tiên tiến chứ không chỉ phải đối mặt với nhiều rủi ro như trong suy nghĩ của nhiều người. Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp cũng rất lớn, người lao động có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, để sinh viên ra trường được làm việc đúng nghề, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường, chính sách học bổng cho người học và cần có hỗ trợ thêm cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp.

Theo https://danviet.vn