Liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp đang là hướng đi đang được nhiều cơ sở đào tạo thuộc Bộ NNPTNT áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Liên kết đào tạo nhân lực với doanh nghiệp, nhìn từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành thực tế tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi từ thực tiễn là một trong những giải pháp được Học viện Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các ngành nghề với chuyên môn sâu, hoặc mang tính liên ngành đã được đào tạo ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông nghiệp công nghệ cao; Chăn nuôi thú y,… Bên cạnh đó, Học viện đã nhanh chóng đưa các tiến bộ mới về cơ giới hóa, tự động hóa,…vào sản xuất nông nghiệp, mở ngành nghề để đáp ứng nguồn nhân lực cho một chuỗi liên kết từ khâu sản xuất nông sản, thực phẩm, chế biến, đến thương mại hóa kết hợp kinh doanh.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn "học" với "hành", từ năm học 2017-2018 đến nay, hàng năm Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
|
|
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia Ngày hội việc làm năm 2023 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.H |
Qua các đợt thực tập, đã tạo điều kiện cho sinh viên củng cố và vận dụng kiến thức chuyên môn, nắm bắt được quy mô, hiện trạng sản xuất. Sinh viên được tham gia các hoạt động cụ thể của cơ sở thực tập, thực hiện các công việc/kỹ thuật liên quan đến ngành được đào tạo nên sau các đợt thực tập kiến thức chuyên môn được nâng cao; biết vận dụng những kiến thức lý thuyết học ở trường vào tìm hiểu và giải thích nghiên cứu các vấn đề thuộc chuyên ngành và góp phần cũng cố chuyên môn, kiến thức chuyên ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, qua thực hành nghề nghiệp tại cơ sở sinh viên có cơ hội nâng cao các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và các kỹ năng mềm khác như hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa chất lượng, trách nhiệm xã hội...,
"Học viện cũng gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu, học đi đôi với hành, liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các em học sinh phổ thông trung học thông qua các cuộc thi đổi mới sang tạo. Thông qua những cuộc thi này, các em có thêm tình yêu với ngành nông nghiệp, có thêm những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học,.., GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các bên. Hiện nay, Học viện xây dựng mạng lưới liên kết với trên 200 doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn (Bitexco, Trungnam group, CP group, Doveco, ThaiBinh seed...).
Học viện cũng chủ động đặt hàng nghiên cứu, phát triển sản phẩm thông qua việc thương xuyên nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệpg.
Đối với hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ: Học viện đang tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ Spin-off. Học viện đã phối hợp với các Bộ, ngành và doanh nghiệp để ươm tạo một số doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off).
"Qua việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu đã nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
|
|
Đại diện doanh nghiệp tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Ngày hội việc làm năm 2023. Ảnh: N.H |
Khi doanh nghiệp "đặt hàng"
Nguồn nhân lực được coi là một trong các yếu tố quyết định đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng đảm bảo cho sự thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và về lâu dài đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Như vậy, đổi mới chương trình, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, sao cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, có thể làm việc được ngay là cần thiết tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, để bắt kịp với xã hội, con người buộc phải tìm kiếm nghề nghiệp mới. Để có nghề nghiệp mới, con người phải được đào tạo ngành nghề mới với kiến thức mới, kỹ năng mới. Vậy mới thấy chiều sâu ý nghĩa của "xã hội học tập", "học tập suốt đời" mà cả thế giới đang thực hiện.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, thời gian qua, các trường đại học cũng đã chú trọng công tác quảng bá tuyển sinh, mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.
Đại học Thủy lợi mở các ngành mới An ninh mạng, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, Kinh tế số, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Luật…
Học Viện Nông nghiệp Việt Nam mở mới các ngành gồm: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Tài chính ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản lý bất động sản, Sư phạm công nghệ…
Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang mở thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Đến 2022, các cơ sở đào tạo đại học của Bộ NNPTNT có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng; 122 ngành trung cấp.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ NNPTNT đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc thiết kế, in ấn và phát các tài liệu đến đối tượng ở các trường phổ thông, xây dựng các trang thông tin điện tử cho phép học sinh, sinh viên tìm hiểu về các ngành nghề, cơ hội học tập làm việc; giải đáp vướng mắc và nộp hồ sơ trực tuyến, nhiều trường đã chủ động thành lập các đoàn tuyển sinh để làm công tác truyền thông đến các địa phương, các trường phổ thông.
Thiết lập mối quan hệ khăng khít với các đơn vị giáo dục tại các địa phương để làm công tác định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.
Một số trường như Cao đẳng cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã chủ động ký kết hợp tác với doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Samsung, Canon, Toyota, Foxconn (Hồng Hải), Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO), Công ty TNHH CJ Vina Agri và Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope … để đưa sinh viên đến thực tập, cam kết việc làm và cung cấp học bổng, trả lương cho học sinh, sinh viên trong quá trình học và thực tập tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Ví dụ, Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi đã ký hợp đồng với Công ty quản lý và và khai tác công trình thủy lợi Sơn La mở lớp đào tạo trình độ trung cấp cho cán bộ, nhân viên quản lý của công ty...Do đó, người học được doanh nghiệp trả lương trong quá trình học tập.
Ngày 11/7, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong tình hình mới; trao đổi thoả thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các tập đoàn, doanh nghiệp. |
Nguồn:danviet.vn