Đã có 03 nhà khoa học nữ của Học viện Nông nghệp Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia: PGS. TS Tạ Thu Cúc, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và GS.TS Nguyễn Thị Lan. Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024, bài viết này giới thiệu tấm gương các nhà khoa học nữ tiêu biểu đó của Học viện.

1. Chân dung nhà khoa học Nguyễn Thị Lan

Năm 2024, GS.TS Nguyễn Thị Lan tròn 50 tuổi. Cô sinh năm 1974 tại Thạch Thất, Hà Nội, vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà nữ khoa học xuất sắc năm 2018. Nhà khoa học Nguyễn Thị Lan là cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được cấp bằng tiến sỹ năm 2007 tại Đại học Miyazaki, Nhật Bản, được phong hàm giáo sư năm 2018, trở thành nhà khoa học trẻ nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của ngành Thú y được phong hàm khoa học cao nhất này.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan

Giáo sư Nguyễn Thị Lan đã tham gia 33 đề tài khoa học các cấp, trong đó chủ nhiệm 06 đề tài, gồm 03 đề cấp nhà nước và 3 đề tài cấp Bộ. Kết quả nghiên cứu của cô đã được công bố tại 157 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế (53 bài báo quốc tế, 104 bài báo trong nước), trong đó có một số bài đăng trên tạp chí khoa học trong hệ thống ISI, điển hình như: Bài Genetic characterization of bovine coronavirus in Vietnam trên tạp chí Virus genes, bài Epidemiology and clinico-pathological characteristics of current goat pox outbreak trên tạp chí BMC Veterinary research, bài Pathogenicity and Genetic Characterization of Vietnamese Classical Swine Fever Virus: 2014–2018 trên tạp chí Pathogens… Trí tuệ của nhà khoa học Nguyễn Thị Lan còn được ghi nhận qua 06 giáo trình, sách tham tham khảo, trong đó cô chủ biên 01 cuốn sách chuyên khảo, đồng chủ biên 03 giáo trình, 01 sách chuyên khảo và 01 sổ tay hướng dẫn. Bên cạnh đó, giáo sư Nguyễn Thị Lan là đồng tác giả 02 tiến bộ kỹ thuật là: Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm (Histomonas) ở gà và Quy trình phòng và điều trị bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm (Histomonas) ở gà được Cục Thú y công nhận năm 2018. Đam mê khoa học và là một nhà khoa học có tinh thần “dấn thân” để cống hiến, giáo sư Nguyễn Thị Lan hiện đang giữ trọng trách là Trưởng Phòng thí nghiệm trọng điểm Thú y và Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học. Với uy tín khoa học của mình, nhà khoa học Nguyễn Thị Lan đã có 10 năm (kể từ năm 2013) là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở tại Hội đồng Giáo sư Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản liên tục từ năm 2019 tới nay. Điều đặc biệt của nhà khoa học nữ Nguyễn Thị Lan là cô đồng thời còn là một nhà quản lý tiêu biểu với chức danh Bí thư Đảng uỷ và Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Uỷ viên BCH Đảng uỷ Khối các trường Cao Đẳng và Đại học Hà Nội. Ngoài ra, Giáo sư có nhiều đóng góp với tư cách là “người đại biểu nhân dân” khi đang nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp là đại biểu Quốc hội - Cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Cô hiện cũng là thành viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội.

 Với các thành tựu khoa học đạt được, với các đóng góp lớn lao cho nền khoa học nông nghiệp nước nhà, ngoài giải thưởng Kovaleskaia, năm 2013 nhà khoa học Nguyễn Thị Lan được tặng Bằng khen về thành tích hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài đạt giải Nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2015 được trao tặng Cúp Tri thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, năm 2018 được nhận Danh hiệu "Nhà khoa học của Nhà nông" từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2021 được Chủ tịch nước quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.

2. Chân dung nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1944, dù đã bước qua tuổi 80 vẫn đang say mê hoạt động nghiên cứu và đang giữ trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện NC&PTCT của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cô nhận Giải thưởng Kovalepskaia sau nhà khoa học Tạ Thu Cúc một thập kỷ (năm 2001) và là nhà khoa học nữ thứ hai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng khoa học cao quý này. Trong cuộc đời công tác của mình, nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm đã giảng lý thuyết và thực hành môn “Chọn tạo và sản xuất giống cây trồng” từ sinh viên khóa 28 đến khóa 44 bậc đại học hệ chính quy (1985-2004). Cô giảng dậy và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cao học từ khóa 1 đến khóa 16 của Học viện, đồng thời đã hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ thành công. Trí tuệ khoa học của cô đã được ghi nhận tại 02 cuốn Giáo trình đại học, 01 cuốn Giáo trình cao học về chọn giống cây trồng; 02 cuốn sách tham khảo: “Chọn giống lúa lai”, xuất bản năm 1995 tái bản 2002 và “Cây đậu núi Sacha inchi (Plukenetia volubilis L.) cây nhiệt đới lâu năm cho omega 3-6-9”, xuất bản năm 2018. Nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm cũng là đồng tác giả 3 cuốn sách “Cây lúa Việt Nam thế kỷ 20”, xb 2002; “Lúa lai ở Việt Nam”, xuất bản năm 2002 và “Vietnam Fifty Years of Rice Research and Development” (Năm mươi năm nghiên cứu và phát triển lúa gạo Việt Nam), xuất bản năm 2010; tác giả của 80 bài báo khoa học, trong đó 67 bài in tại các tạp chí khoa học trong nước và 13 bài in tại các tạp chí nước ngoài được cộng đồng khoa học đánh giá cao. Nói đến các đóng góp khoa học của nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm còn phải kể đến 20 đề tài nghiên cứu khoa học về chọn tạo các giống lúa: lúa tẻ, lúa nếp, lúa thơm chất lượng cao và lúa lai, trong đó cô làm chủ nhiệm 18 đề tài.

leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm 

Với những đóng góp nổi bật của mình đối với nền khoa học nông nghiệp nước nhà, nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm đã được tặng thưởng hằng chục bằng khen về Lao động sáng tạo, Nghiên cứu Khoa học tài năng, Suất sắc trong nghiên cứu ứng dụng KHKT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước, Đóng góp suất sắc cho chương trình Giống Cây trồng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2001-2005... Cô là tác giả của hàng chục bằng sáng chế, sáng tạo KH&CN (VIFOTEC), Cúp Vàng, Bằng sở hữu trí tuệ... Bằng tài năng của mình, nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm đã được nhiều tổ chức vinh danh là Tài năng sáng tạo nữ, Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, Người tốt việc tốt, Vì sự nghiệp giáo dục, Nhà khoa học của Nhà nông... Để đánh giá những đóng góp của cô, năm 2000 nhà giáo Nguyễn Thị Trâm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và danh hiệu Nhà giáo nhân dân 8 năm sau đó (năm 2008). Năm 2005, nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm cùng các đồng nghiệp và cộng sự được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (giải tập thể). Năm 2001 cô vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng ba; đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ năm 2013... Với những cống hiến to lớn cho khoa học nông nghiệp, năm 2009 nữ nhà khoa học Nguyễn Thị Trâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một trong những danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước dành cho những nhà khoa học tiêu biểu, có đóng góp khoa học vượt trội và điển hình. 

3. Chân dung nhà khoa học Tạ Thu Cúc

 PGS.TS Tạ Thu Cúc nhận giải Kovalevskaia năm 1991, là nhà khoa học nữ đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng khoa học cao quý này. Nhà khoa học Tạ Thu Cúc sinh năm 1937 tại Thường Tín, Hà Nội. Năm 1956 cô trở thành nữ sinh khoá đầu tiên (khoá 1) khoa Trồng trọt của trường Đại học Nông – Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Sau khi ra trường, cô ở lại công tác tại Học viện với trên 30 năm giảng dạy môn học về cây rau cho sinh viên từ khoá 6 đến khoá 43 bậc đại học hệ chính quy. Ngoài ra, nhà khoa học Tạ Thu Cúc giảng dạy nhiều lớp cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, là chủ tịch của nhiều Hội đồng luận văn thạc sĩ, thành viên hội đồng, phản biện nhiều luận án tiến sĩ, tham gia nhiều hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, uỷ viên nhiều hội đồng thẩm định TCN về cây rau của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Để phục vụ cho hoạt động giảng dạy, cô đã biên soạn và xuất bản nhiều lần Giáo trình môn học vào các năm 1979, 2000, 2007. Trong cuộc đời công tác của mình, nhà khoa học Tạ Thu Cúc đã thực hiện khoảng 30 đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở đến cấp Bộ, thành phố. Hoạt động nghiên cứu của cô được thực hiện trên khắp cả nước, như tại tỉnh miền núi - Lào Cai, Thủ đô Hà Nội, tỉnh đồng bằng sông Hồng - Hà Nam, hay tỉnh Tây nguyên - Lâm Đồng… Nhà khoa học Tạ Thu Cúc nghiên cứu đa dạng các giống rau: Cải bắp, dưa chuột, đậu cô ve, hành tây…; đặc biệt cô đã nghiên cứu đối với hơn 100 mẫu cà chua. Giai đoạn sau này, nhà khoa học Tạ Thu Cúc tập trung nghiên cứu về rau sạch và trở thành chuyên giao của Dự án sản xuất thử rau sạch vùng ngoại thành thành phố Hà Nội. Trong cuộc đời công tác của mình, nhà khoa học nữ Tạ Thu Cúc đã tham dự một hoạt động khoa học đáng nhớ, đó là Chương trình “Di truyền giống cây trồng” tại Viện Slavov A-B Thuỵ Điển năm 1988. Để lan toả và phát huy giá trị trí tuệ được tích luỹ từ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu thực tiễn, nhà khoa học Tạ Thu Cúc đã biên soạn các cuốn sách tham khảo về kỹ thuật trồng một số rau đậu, kỹ thuật trồng rau sạch, trồng rau theo mùa, kỹ tuật trồng rau gia vị, kỹ thuật trồng cà chua xuất bản trong các năm 2003, 2006, 2007, 2008 và 2013. Với uy tín công tác của mình, cô đã giữ nhiều trọng trách quản lý của tất cả các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đảng và chính quyền tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Tạ Thu Cúc

Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của nữ nhà khoa học, nhà giáo Tạ Thu Cúc với nền giáo dục và khoa học nước nhà, cùng năm nhận giải thưởng Kovalevskaia (năm 1991), cô được phong học hàm Phó giáo sư; sau đó 03 năm (năm 1994) cô được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Ngoài ra, nhà khoa học Tạ Thu Cúc được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương CMCN hạng 3, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bằng lao động sáng tạo năm 1987 và nhiều bằng khen, giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, của thành phố Hà Nội cũng như của Hội LHPN Việt Nam…

Ban CTCT&CTSV