Mỗi tháng cơ sở này tiếp nhận điều trị nội trú và ngoại trú cho hàng trăm "bệnh nhân bốn chân". Bên cạnh đó, nơi đây còn tiếp nhận xét nghiệm hàng trăm mẫu bệnh phẩm được gửi về từ các trang trại.
Phát hiện chú mèo cưng tên Miu (2 tháng tuổi) bị ngã từ tầng 3 xuống, chị Lan ngay lập tức đưa thú cưng đến Bệnh viện Thú Y Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) cấp cứu.
Sau khi cung cấp thông tin bệnh sử và các loại thuốc đã sử dụng, chị Lan được hướng dẫn đưa Miu vào phòng khám.
Kết quả chụp X-quang xác định Miu bị gãy chân trái. Nữ bác sĩ thú y tiếp tục thực hiện các bước thăm khám lâm sàng để kiểm tra sức khỏe tổng quát của Miu cũng như các tổn thương khác (nếu có).
"Hình ảnh siêu âm cho dấu hiệu nghi ngờ bị tổn thương bàng quang do va đập. Vấn đề này cần quan sát thêm, nếu bé có thể đi vệ sinh được thì tình trạng sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều", nữ bác sĩ thông tin cho chị Lan trong quá trình siêu âm ổ bụng cho chú mèo.
Kiểm tra chân trái, bác sĩ xác định vùng xương bị gãy đã có hiện tượng sưng do nhiễm trùng. Với tình trạng này, cần điều trị kháng sinh cho ổ viêm xẹp lại mới có thể bó bột. Chị Lan cũng quyết định để mèo cưng ở lại bệnh viện điều trị nội trú để việc chăm sóc và điều trị hiệu quả hơn.
Cơ sở thú y này là bệnh viện thú y lớn nhất tại Việt Nam và ngang tầm với các nước trong khu vực. Theo TS Trần Văn Nên - Giám đốc Bệnh viện Thú Y Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mỗi tháng cơ sở này tiếp nhận điều trị nội trú và ngoại trú cho hàng trăm "bệnh nhân bốn chân". Bên cạnh đó, nơi đây còn tiếp nhận xét nghiệm hàng trăm mẫu bệnh phẩm được gửi về từ các trang trại.
Tại bệnh viện này có cả phòng khám bệnh, khu điều trị nội trú, khu điều trị bệnh truyền nhiễm riêng biệt với phòng áp lực âm, phòng áp lực dương để phòng ngừa lây nhiễm.
Ỉn, chú chó thuộc giống pug, nặng 9kg đã điều trị nội trú tại bệnh viện được 3 ngày. Thời điểm nhập viện, Ỉn có vết thương hở toác rộng ở chân, nhiều dịch viêm, chảy mủ.
Qua khai thác bệnh sử, chủ của Ỉn cho biết, trước đó hơn 10 ngày, chú chó này bị cắn bởi một con chó lớn. Sau đó, Ỉn được đưa vào một phòng khám xử lý vết thương nhưng tình trạng ngày càng nặng và vết thương có dấu hiệu hoại tử.
Theo phác đồ điều trị, Ỉn cần được truyền kháng sinh, kháng viêm, thuốc bổ và xử lý vết thương hàng ngày.
"Thông thường để xử lý vết thương dạng này cần một tuần. Tuy nhiên, vì bạn này vết thương quá rộng nên thời gian hồi phục dự kiến sẽ kéo dài hơn. Sau khi vết thương ổn, không bị viêm sưng thì chủ nhân có thể đón Ỉn về nhà chăm sóc", bác sĩ điều trị chia sẻ.
Bạch là một chú chó giống Golden được đưa vào Bệnh viện Thú Y từ ngày 23/5. Chú chó này bị viêm da, ghẻ máu và nấm da. Tình trạng này đã kéo dài 1 tháng nên thời điểm nhập viện, da của Bạch đã bị viêm, loét, có mùi hôi.
Mỗi ngày, Bạch được các bác sĩ thú y vệ sinh da bằng thuốc sát khuẩn vì da bị viêm loét, nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, chú chó này được chỉ định dùng kháng sinh, giảm viêm, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị ký sinh trùng.
Với Gi Gi, chú mèo anh lông dài 4 tuổi, các bác sĩ xác định mắc tình trạng viêm mũi mãn tính, đi ngoài.
"Hiện với chú mèo này chúng tôi cần can thiệp cho thở bằng oxy, đồng thời dùng thuốc giãn phế quản, giảm tiết dịch đường thở, xông và rửa mũi hàng ngày. Các bác sĩ phải lựa chọn kháng sinh để điều trị đồng thời bệnh viêm đường hô hấp và tình trạng đi ngoài", bác sĩ điều trị chia sẻ.
Theo TS Trần Văn Nên, điểm đặc biệt trong quá trình khám chữa bệnh của bác sĩ thú y là những "bệnh nhân" không biết nói nên không thể tự mô tả triệu chứng, tình trạng của mình.
"Ở người có những bệnh gì thì ở động vật cũng gần như có các mặt bệnh như vậy. Bác sĩ thú y khi khám chữa bệnh phải dựa rất nhiều vào triệu chứng lâm sàng, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp "sờ, nắn, gõ, nghe". May mắn là ngày nay, các bác sĩ thú y có rất nhiều máy móc để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh", TS Nên chia sẻ.
Theo TS Nên, tại bệnh viện hiện có cả máy siêu âm màu 4D, máy nội soi, chụp X-Quang, máy xét nghiệm máu, máy kích tim, máy điện tim... Các bác sĩ tại đây cũng đã thực hiện cả các ca phẫu thuật: mổ sỏi bàng quang, mổ các tổ chức khối u lớn ở bụng, đường sinh dục, mổ xử lý cơ hoành bị rách cho thú cưng.
Một điểm đặc thù của bác sĩ thú y, theo TS Nên, là hoàn toàn có thể đối mặt với sự tấn công của chính "bệnh nhân" của mình. Do đó, các bác sĩ thú y còn cần phải hiểu biết được con vật và có phương pháp thân hòa, tiếp cận phù hợp.
Theo https://dantri.com.vn